Môi trường bệnh viện bao gồm không khí, nước, chất thải, nền nhà, tường, trần, cửa sổ, bề mặt vật dụng trong môi trường.
Môi trường bệnh viện, đặc biệt là những nơi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và những nơi có nguy cơ chứa đựng vi sinh vật càng cao, nhất là vi sinh vật gây bệnh qua máu, dịch tiết, chất thải y tế từ bệnh nhân.
Văn bản hướng dẫn này tập trung vào các phương pháp làm sạch, khử khuẩn môi trường khu phẫu thuật thông qua việc sử dụng phương pháp vật lý, hóa học để làm sạch, kiểm tra và giám sát môi trường nhằm tạo ra và duy trì môi trường sạch, an toàn và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh cho người bệnh và nhân viên y tế
I. MỤC TIÊU
1. Cung cấp những hướng dẫn về vệ sinh môi trường phòng/khu phẫu thuật, bao gồm:
- Nguyên tắc vệ sinh.
- Tần suất vệ sinh.
- Quy trình vệ sinh.
- Bảng kiểm thực hành và giám sát vệ sinh.
2. Hướng dẫn xây dựng phân công trách nhiệm cá nhân trong vệ sinh môi trường phòng/ khu phẫu thuật và khu vực yêu cầu vô khuẩn (Phòng đẻ, phòng thủ thuật vô khuẩn).
3. Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng hóa chất khử khuẩn thông dụng đang được sử dụng trong các bệnh viện thuộc phạm vi dự án.
II.NGUYÊN TẮC LÀM SẠCH PHÒNG MỔ/KHU PHẪU THUẬT VÀ KHU VỰC YÊU CẦU VÔ KHUẨN.
1. Vệ sinh môi trường phòng/khu phẫu thuật là nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn và phòng ngừa nhiễm khuẩn liên quan đến phẫu thuật. Mọi thành viên làm việc tại từng phòng mổ, nhân viên khoa Phẫu thuật-gây mê hồi sức phải thực hiện và giám sát những người tham gia hoạt động tại khu vực phẫu thuật tuân thủ nguyên tắc làm sạch, vô khuẩn buồng phẫu thuật.
2. Bệnh viện phải có văn bản hướng dẫn, quy trình, trách nhiệm làm sạch, kiểm tra, giám sát tại khu phẫu thuật/phòng mổ, bao gồm:
- Quy định nhiệm vụ thực hiện làm sạch, nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, duy trì vệ sinh môi trường của kíp phẫu thuật khi tham gia vào các cuộc phẫu thuật tại phòng mổ;
- Quy định về các chế tài khi các cá nhân hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ vệ sinh phòng mổ;
- Hướng dẫn quy trình thực hành vệ sinh phòng mổ, khu phẫu thuật;
- Hướng dẫn nguyên tắc pha và sử dụng hóa chất, phương tiện vệ sinh phòng mổ;
- Kế hoạch thực hiện sinh phòng mổ;
- Lịch và công cụ kiểm tra giám sát vệ sinh phòng mổ.
3. Nhân viên làm sạch, người giám sát/kiểm tra công tác vệ sinh phòng mổ phải được trang bị (đào tạo) các kiến thức cơ bản, chuyên sâu về nguyên tắc, phương pháp, quy trình làm sạch môi trường khu/buồng phẫu thuật, phân loại và thu gom chất thải y tế ngay tại phòng mổ.
4. Khu phẫu thuật phải có đủ phương tiện vệ sinh tay và phương tiện phòng hộ cá nhân gồm:
- Quần, áo mặc lót trong (cộc tay) dành riêng cho khu phẫu thuật;
- Mũ, giấy trùm kín tóc sử dụng một lần;
- Khẩu trang y tế che kín mũi miệng sử dụng một lần;
- Dép dành riêng cho khu phẫu thuật hoặc bốt giấy/vải sử dụng một lần (Dép phải được cọ rửa hàng ngày)
Người làm vệ sinh phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân (PTPHCN) đúng theo hướng dẫn phòng ngừa chuẩn để phòng phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể và tổn thương do vật sắc nhọn trong quá trình thực hiện vệ sinh phòng mổ.
6. Khăn lau bề mặt và tải lau nền phòng mổ phải được giặt sạch, khử khuẩn, làm khô trước khi đưa vào sử dụng trong phòng/khu phẫu thuật sử dụng một lần giống như các đồ vải khác.
7. Đồ vải, găng tay, vật dụng phẫu thuật sau khi sử dụng trong cuộc mổ và chất thải phải được phân loại và thải bỏ vào thùng, túi chứa mà không được cởi, vứt bỏ xuống nền hoặc bàn, máy móc khác trong phòng mổ.
8. Khu phẫu thuật phải có nơi xử lý, cất giữ phương tiện vệ sinh và nơi đổ chất thải lỏng sau khi vệ sinh. Chỉ để những dụng cụ thật cần thiết liên quan đến phẫu thuật trong buồng phẫu thuật và sắp xếp gọn gàng.
9. Loại bỏ và lau khử khuẩn vết/đám máu, dịch tiết cơ thể ngay mỗi khi phát sinh theo đúng quy trình.
10. Thực hiện nguyên tắc vệ sinh nơi sạch trước, bẩn sau, từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài (đi lùi).
III. QUY TRÌNH LÀM SẠCH
1. Chuẩn bị phương tiện, hóa chất
1) Phương tiện phòng hộ cá nhân: găng tay vệ sinh, ủng, khẩu trang, quần áo bảo hộ, tạp dề chống thấm. Xem thêm >>Các loại máy xịt cồn dùng trong Bệnh Viện
2) Khăn lau sạch, khô, số lượng đủ cho làm sạch mà không phải giặt tại phòng mổ.
3) Tải lau và các đầu lau (mops) khô, sạch, số lượng đủ cho làm sạch mà không phải giặt tại phòng mổ.
4) Xe lau nhà hoặc xô chứa nước sạch: đủ dùng.
5) Hóa chất hoặc dung dịch sát khuẩn theo quy định của bệnh viện, khối lượng đủ dùn (Cloramine, Javel, Presept và cồn 70 độ).
6) Túi, hộp mới để thay thùng rác.
7) Biển báo ướt.
2. Quy trình thực hành
2.1 Quy trình làm sạch phòng mổ khi bắt đầu một ngày làm việc
1) Rửa tay, làm khô tay, mang phương tiện phòng hộ bao gồm cả đi găng tay vệ sinh.
2) Pha mới dung dịch vệ sinh khử khuẩn theo đúng nồng độ và hướng dẫn của bệnh viện hoặc nhà sản xuất (5.4) ở nơi thoáng khí (bên ngoài phòng mổ).
3) Sử dụng khăn lau khô, sạch, thấm dung dịch khử khuẩn hoặc cồn 70 độ môi trường để lau bề mặt môi trường phòng mổ nếu nhìn thấy vết bẩn hoặc bụi trên tường, đèn mổ hoặc đèn thủ thuật, các bề mặt máy móc, đồ nội thất trong phòng mổ.
4) Sử dụng tải lau khô, sạch, thấm dung dịch khử khuẩn để lau nền phòng mổ. Kỹ thuật lau sàn: chia đôi sàn, lau theo đường dích dắc, đi lùi, đường lau sau không trùng với đường lau trước. Thay tải lau cho mỗi diện tích sàn khoảng 10m2.
5) Tháo găng tay và bỏ vào thùng chứa chất thải y tế
6) Đặt biển báo trơn, trượt ở cửa để người khác không bước vào cho đến khi phòng khô, cuộc mổ mới bắt đầu.
Chú ý:
a) Có thể dùng khăn lau sạch, khô để lau bề mặt bàn, máy móc (chóng khô) nếu sau 10 phút mà vật dụng và sàn chưa khô.
b) Quy trình làm sạch này được áp dụng cả ở những phòng phẫu thuật không có phẫu thuật thường xuyên. Quy trình này được thực hiện mỗi 24 giờ đối với các phòng mổ thông thường, không có áp lực dương liên tục và lọc không khí có kiểm soát.
2.2 Quy trình làm sạch phòng mổ giữa 2 ca phẫu thuật
1) Rửa tay, mang phương tiện phòng hộ và đi găng khi tay khô.
2) Pha mới dung dịch vệ sinh khử khuẩn theo đúng hướng dẫn và nồng độ của nhà sản xuất hoặc bệnh viện ở nơi thoáng khí (bên ngoài phòng mổ).
3) Gom và phân loại chất thải đưa vào túi/ thùng rác.
4) Gom và phân loại đồ vải dính máu, dịch cơ thể và không dính máu, dịch cơ thể cho vào túi đựng đồ vải theo phân loại
5) Đổ dịch, làm sạch bên ngoài bình hút (hoặc thay bình hút mới).
6) Tháo găng, rửa tay, làm khô tay và đi găng mới.
7) Dùng khăn khô, sạch thấm dung dịch khử khuẩn hoặc cồn 700 để lau sạch và lau khử khuẩn bề mặt môi trường xung quanh, nơi có khả năng tiếp xúc với người bệnh hoặc bị vấy bấn với máu, và dịch cơ thể trong ca phẫu thuật trong không gian xung quanh bàn mổ với bán kính 1,3m, bao gồm cả tường, máy đo huyết áp, cọc truyền, bề mặt đèn mổ, máy gây mê, máy truyền dịch …
8) Dùng khăn khô, sạch thấm dung dịch khử khuẩn để lau khử khuẩn bàn phẫu thuật.
9) Dùng khăn/tải lau sạch, khô thấm dung dịch khử khuẩn để lau sàn, xung quanh bàn mổ với bán
kính khoảng 1,3m và lau rộng hơn nếu có máu và dịch tiết bắn xa hơn để đảm bảo các bề mặt môi trường xung quanh được lau sạch.
10) Kỹ thuật lau: chia đôi sàn, lau theo đường dích dắc, đường lau sau không trùng với đường lau trước, lau giật lùi. Thay tải lau sau mối lần diện tích mặt sàn 10m2. Chú ý sử dụng khăn hoặc tải/ đầu lau riêng biệt cho mỗi ca phẫu thuật.
11) Lót túi nilon mới vào thùng đựng chất thải.
12) Tháo bỏ găng tay cho vào túi/thùng chất thải, rửa tay và làm khô tay.
13) Đặt biển báo “Sàn ướt” ở cửa ra vào để người khác không bước vào cho đến khi phòng khô, cuộc mổ mới bắt đầu.
Chú ý: Dùng khăn lau sạch, khô để lau khô bề mặt môi trường nếu sau 10 phút lau bằng dung dịch khử khuẩn không khô.
2.3 Quy trình làm sạch phòng mổ khi kết thúc tất cả các cuộc phẫu thuật trong ngày
1) Rửa tay, lau khô tay, mặc phương tiện phòng hộ và đi găng tay vệ sinh.
2) Pha mới dung dịch khử khuẩn theo hướng dẫn và nồng độ quy định của bệnh viện hoặc nhà sản xuất ở nơi thoáng khí.
3) Thu gom, phân loại chất thải vào các túi, thùng đựng chất thải y tế. Thu, gom tất cả đồ vải bẩn, phân loại đồ vải dính máu, dịch cơ thể và không dính máu, dịch cơ thể cho vào túi đựng đồ vải theo phân loại.
4) Đổ dịch thải, làm sạch và khử khuẩn bình hút hoặc thay bình hút mới.
5) Tháo găng, rửa tay, lau khô tay và đi găng mới.
6) Dùng khăn lau sạch, khô, thấm dung dịch khử khuẩn hoặc cồn 70 độ lau sạch nắm đấm cửa-tủ, thiết bị tắt, bật điện, điều khiển máy, điện thoại, bàn phím các thiết bị chuyên dụng, máy tính (nếu có), ống nghe, bề mặt của máy và dụng cụ y tế (huyết áp kế, máy gây mê, bơm tiêm điện…) và đèn mổ.
7) Dùng khăn lau khô, sạch, thấm dung dịch khử khuẩn hoặc cồn 70 độ để lau khử khuẩn bàn phẫu thuật.
8) Chuyển tất cả các đồ nội thất, bàn phẫu thuật ra giữa buồng. Luân chuyển đồ để lau được hết diện tích sàn, đảm bảo mọi chỗ của nền đều được lau sạch.
9) Dùng khăn lau hoặc tải sạch, khô thấm dung dịch khử khuẩn để lau sàn. Đảm bảo mọi chỗ của sàn được lau sạch. Sử dụng kỹ thuật lau: chia đôi sàn, chuyển thiết bị về một phía, làm sạch một nữa chờ khô, chuyển thiết bị sang nửa đã làm sạch, tiếp tục làm sạch nữa còn lại, lau theo đường dích dắc, đường lau sau không trùng với đường lau trước. Lau hết diện tích sàn theo nguyên tắc di chuyển lùi, từ chổ sạch nhất đến chổ bẩn nhất, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Thay khăn/tải lau cho mỗi diện tích sàn khoảng 10m2.
10) Chuyển tất cả các phương tiện, máy móc trong phòng trở lại đúng vị trí quy định.
11) Làm rỗng, cọ sạch các thùng chứa chất thải, làm khô, lót túi nilon vào trong thùng chứa chất thải và đặt lại chỗ cũ.
12) Cọ rửa sạch và cất dụng cụ vệ sinh vào nơi quy định
13) Tháo bỏ găng, rửa tay và làm khô tay.
14) Đặt biển báo trơn, trượt ở cửa để người khác không bước vào cho đến khi phòng khô, đóng cửa phòng để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
15) Viết báo cáo và gửi đề xuất thay thế, sửa chữa tất cả những gì hư hỏng tới điều dưỡng trưởng phòng mổ hoặc người có trách nhiệm.
Chú ý: Dùng khăn lau sạch, khô để lau khô bề mặt môi trường nếu sau 10 phút lau bằng dung dịch khử khuẩn không khô.
2.4 Quy trình làm sạch buồng tắm, nhà vệ sinh
1) Rửa tay, lau khô tay, mặc phương tiện phòng hộ và đi găng tay vệ sinh.
2) Pha mới dung dịch khử khuẩn theo hướng dẫn và nồng độ quy định của bệnh viện hoặc nhà sản xuất tại nơi thoáng khí, bên ngoài nhà tắm hoặc nhà vệ sinh.
3) Gom chất thải vào các túi/thùng rác y tế
4) Lau sạch tay nắm, cánh, khung cửa, tường và công tắc đèn
5) Loại bỏ tất cả những vết bẩn, hoen ố, đổ, tràn ở tường, sàn.
6) Lau sạch gương, làm sạch bên trong và bên ngoài của bồn rửa, vòi nước.
7) Làm sạch tất cả các khung, máy, hộp đựng dung dịch hoặc xà phòng vệ sinh tay, hộp đựng khăn lau tay, các khung, dây, mắc áo, kệ…
8) Sử dụng hóa chất khử khuẩn và bàn chải chà, cọ cho sạch đất, chất bẩn trên các bề mặt bên trong của bồn tắm, vòi hoa sen, lan can, tường xung quanh, sau đó xịt nước rửa sạch và lau khô.
9) Cọ rửa sạch bô, bồn cầu của nhà vệ sinh bao gồm cả bên trong, bên ngoài, phía dưới của vành bồn cầu bằng dung dịch tẩy rửa hoặc khử khuẩn trong thời gian tối thiểu 10 phút.
10) Thu gom chất thải trong thùng chất thải, thay tất cả các túi đựng chất thải bằng túi chất thải sạch nếu bẩn.
11) Tháo găng tay, bỏ vào thùng chất thải y tế. Rửa tay và làm khô tay.
12) Tiếp thêm khăn giấy, giấy vệ sinh, túi đựng chất thải, xà phòng nếu cần.
2.5 Xử lý môi trường bị văng bắn, đổ máu hoặc chất tiết cơ thể
Trường hợp phẫu thuật người bệnh có nhiễm khuẩn chưa rõ căn nguyên, văng bắn hoặc tràn dịch cơ thể không xác định được vị trí dịch từ người bệnh thì phải tiến hành vệ sinh, khử khuẩn triệt để như một trường hợp ô nhiễm tràn dịch cơ thể hoặc máu trước khi sử dụng lại.
Vết máu, dịch tiết vương vãi trên bàn, sàn, tường, dụng cụ: đi găng vệ sinh, dùng khăn, giấy thấm máu, dịch tiết và thải bỏ vào 1 túi nilon, buộc lại rồi đặt vào túi đựng chất thải y tế lây nhiễm. Đổ dung dịch khử khuẩn vào vết lau (hoặc thấm vào vải, gấy lau phủ lên vị trị dính máu) và lưu lại 10 phút. Sau đó dùng khăn lau lại theo quy trình làm sạch bề mặt, sàn theo hướng dẫn phòng ngừa chuẩn của Bộ Y tế
Còn tiếp>>
TRÍCH DẪN TỪ " TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN LÀM SẠCH MÔI TRƯỜNG PHÒNG MỔ" DO do tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ tài trợ , hỗ trợ Bộ Y tế.
GIÁM ĐỐC DỰ ÁN
Trần Quý Tường